Quy định về thuế với chi nhánh được thể hiện như thế nào? Thủ tục về thuế với chi nhánh khi doanh nghiệp thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Nội dung chính của Bài Viết
Về thuế môn bài
Theo quy định tại Mục I Văn bản hợp nhất số 33/VBHN-BTC có quy định về nghĩa vụ nộp thuế môn bài của chi nhánh như sau:
“1.3 Các tổ chức kinh tế bao gồm:
– Các Doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức và cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, các tổ chức, đơn vị sự nghiệp khác và tổ chức kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập khác;
– Các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã và các Quỹ tín dụng nhân dân (gọi chung là các HTX);
– Các cơ sở kinh doanh là chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu (thuộc công ty hoặc thuộc chi nhánh)… hạch toán phụ thuộc hoặc báo sổ được cấp giấy chứng nhận (đăng ký kinh doanh), có đăng ký nộp thuế, và được cấp mã số thuế (loại 13 số);”
Các tổ chức kinh tế nêu trên nộp thuế Môn bài căn cứ vào vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo biểu như sau:
Về địa điểm nộp thuế môn bài, căn cứ vào khoản 2 Mục II Văn bản hợp nhất số 33/VBHN-BTC có quy định như sau:
“2. Cơ sở kinh doanh đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế cấp nào thì nộp thuế Môn bài tại cơ quan thuế cấp đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh có nhiều cửa hàng, cửa hiệu trực thuộc nằm ở các điểm khác nhau trong cùng địa phương thì cơ sở kinh doanh nộp thuế Môn bài của bản thân cơ sở, đồng thời nộp thuế Môn bài cho các cửa hàng, cửa hiệu trực thuộc, đóng trên cùng địa phương. Các chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu đóng ở địa phương khác thì nộp thuế Môn bài tại cơ quan thuế nơi có chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh.”
Như vậy, chi nhánh sẽ phải nộp thuế môn bài tại cơ quan thuế nơi có chi nhánh
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Điều 12 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về nơi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
“Điều 12. Nguyên tắc xác định
Doanh nghiệp nộp thuế tại nơi có trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thì số thuế được tính nộp ở nơi có trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất.”
Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC cũng có quy định: “Khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi đơn vị đóng trụ sở chính thì khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp tại nơi đóng trụ sở chính có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại nơi đóng trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.”
Như vậy, việc nộp thuế của chi nhánh được xác định trong hai trường hợp sau:
– Trường hợp chi nhánh hạch toán độc lập kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh
– Trường hợp chi nhánh hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thì thực hiện kê khai thuế tại nơi có trụ sở chính. Sau đó doanh nghiệp phân bổ số thuế phải nộp về cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh đó.
Thuế giá trị gia tăng
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 119/2013/TT-BTC quy định như sau:
“b) Đối với doanh nghiệp đang nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có thành lập chi nhánh (bao gồm cả chi nhánh được thành lập từ dự án đầu tư của doanh nghiệp), nếu chi nhánh thuộc trường hợp khai thuế GTGT riêng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế thì xác định phương pháp tính thuế của Chi nhánh theo phương pháp tính thuế của doanh nghiệp đang hoạt động. Trường hợp chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu hoặc chi nhánh ở địa phương cấp tỉnh, thành phố cùng nơi doanh nghiệp có trụ sở chính nhưng không thực hiện kê khai riêng thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của doanh nghiệp.”
Căn cứ theo quy định trên thì nếu chi nhánh phát sinh doanh thu thì thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính thuế của doanh nghiệp. Trường hợp nếu doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì chi nhánh cũng được nộp thuế theo phương pháp khấu trừ theo quy định tại thông tư 219/2013/TT-BTC và thông tư 26/2015/TT-BTC)
Theo đó, thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được xác định như sau:
VAT phải nộp = VAT đầu ra – VAT đầu vào
Trong đó, VAT đầu ra = thuế suất x giá trị hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn bán ra
VAT đầu vào = thuế suất x giá trị hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn mua vào
Thuế suất được căn cứ theo quy định tại Điều 9, 10, 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC